Sử dụng phần thịt lợn này đúng cách, bạn có thể nhận được nguồn dinh dưỡng quý giá, bồi bổ cơ thể.
Phần thịt lợn bổ dưỡng được nhắc đến ở đây chính là gan. Gan lợn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất. Nếu sử dụng đúng cách, cơ thể sẽ được cung cấp một lượng dưỡng chất vô cùng dồi dào.
Nhiều người lo lắng về việc gan lợn chứa nhiều độc tố không tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, gan lợn đúng là cơ quan thải độc của cơ thể con lợn. Khi các độc tốt (nếu có) đi qua gan, chúng sẽ được chuyển hóa và phân hủy sau đó được đào thải ra ngoài qua nước tiểu hoặc phân. Bởi các độc tố đã được bài tiết ra ngoài nên chúng ta có thể ăn gan lợn bình thường, kể cả trẻ nhỏ. Nếu ăn với lượng hợp lý và chế biến đúng cách thì sẽ rất tốt cho sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết nếu ăn gan lợn với liều lượng vừa đủ và chế biến đúng cách sẽ rất tốt cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia, gan lợn chứa hàm lượng vitamin A cao hơn hẳn so với các thực phẩm khác như thịt, cá, trứng, sữa... So với gan các loại động vật khác, gan lợn được xếp vào nhóm có hàm lượng đạm cao, cứ 100 gram gan lợn có 18,9 gram đạm. Các loại gan gà, gan bò, gan vịt vẫn đứng sau gan lợn về hàm lượng đạm.
Đặc biệt, gan lợn cũng có hàm lượng sắt cực kỳ cao. Do đó, người thiếu máu hay suy nhược có thể sử dụng thực phẩm này để bồi bổ cơ thể.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, gan lợn dù nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể nhưng cũng có thể gây hại nếu lựa chọn, sử dụng không đúng cách.
Trường hợp lợn bệnh, lợn ốm thì gan sẽ chứa rất nhiều chất độc hại, virus... Nếu ăn phải sẽ không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, gan còn là nơi trú ngụ của hàng loạt ký sinh trùng, điển hình là sán lá gan. Vì vậy, nếu không chế biến kỹ thì người ăn có thể bị nhiễm bệnh.
Để chọn miếng gan lợn ngon, chúng ta cần quan sát màu sắc, gan lợn phải có màu hồng đều, mềm, có độ tươi, dính, đàn hồi tốt... Không mua gan lợn có mùi hôi bất thường, có khối hoặc u cục cứng, màu sắc thâm đen hoặc vàng...
Để an toàn nhất, nên mua ở những cửa hàng, nơi bán có kiểm dịch, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
Về cách chế biến, gan lợn không nên nấu cùng các loại thực phẩm giàu vitamin C như giá đỗ, rau cần, rau cải... vì gan lợn có hàm lượng sắt cao, khi kết hợp với nhau sẽ làm mất hết giá trị dinh dưỡng của cả hai loại thực phẩm.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải chú ý đến lượng gan lợn cho mỗi lần ăn. Với người trưởng thành, mỗi lần chỉ nên ăn 50-70 gram gan lợn, chỉ nên ăn nhiều nhất 2-3 lần. Với trẻ nhỏ, chỉ ăn 30-50 gram/bữ và không quá 2 lần/tuần. Người bị rối loạn chuyển hóa, cao huyết áp nên hạn chế tiêu thụ loại thực phẩm này vì nó có hàm lượng cholesterol cao.
Khỏe và đẹp