Trang Chủ / Đời Sống / Hiệu trưởng miền Tây chi 400 lượng vàng xây nhà dưỡng lão rồi bất ngờ qua đời

Hiệu trưởng miền Tây chi 400 lượng vàng xây nhà dưỡng lão rồi bất ngờ qua đời

Đời Sống

6h sáng, trời miền Tây cuối tháng 11 se se lạnh, khoảng sân lớn trong khuôn viên Nhà dưỡng lão Đức Thọ ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, có hơn 20 cụ già kéo nhau ra ngồi trò chuyện. Mỗi người một ghế đá, các cụ ông, cụ bà nói với nhau những câu chuyện không đầu không đuôi.

6h sáng, trời miền Tây cuối tháng 11 se se lạnh, khoảng sân lớn trong khuôn viên Nhà dưỡng lão Đức Thọ ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, có hơn 20 cụ già kéo nhau ra ngồi trò chuyện. Mỗi người một ghế đá, các cụ ông, cụ bà nói với nhau những câu chuyện không đầu không đuôi.

Họ có những hoàn cảnh khác nhau. Người không có người thân, người bị đãng trí, người lãng tai. Ngoài ra, cũng có cụ vì cuộc sống quá khó khăn, không còn sức khỏe để mưu sinh. Có cụ con cái nghèo khó, không có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng. Lại có cụ được người thân đưa đến đây rồi bỏ lại, không một lần trở lại thăm hỏi. Tất cả xin vào Nhà dưỡng lão Đức Thọ để được chăm sóc.

Nhà dưỡng lão Đức Thọ được xây dựng khá khang trang, thoáng mát, chia thành từng khu khác nhau: khu văn phòng làm việc, khu nhà ở cho cụ ông, khu nhà ở cho cụ bà, nhà bếp, nhà ăn; trạm y tế chăm sóc các cụ và khu nhà mát dùng làm nơi sinh hoạt tập thể. Khuôn viên rộng rãi của nhà dưỡng lão trồng nhiều cây xanh, cây ăn trái, thoáng mát, rất yên tĩnh. Từ khi thành lập đến nay, Nhà dưỡng lão Đức Thọ đã cưu mang hơn 200 cụ già neo đơn.

Nhà dưỡng lão Đức Thọ do ông Ngô Đoan Thanh xây dựng. Ông Thanh trước đây là Hiệu trưởng Trường dân lập Bồi Thanh- ngôi trường chuyên dạy song ngữ Việt-Hoa tại thị xã Vĩnh Châu. Trong lúc dạy học, ông Thanh thấy nhiều mảnh đời bất hạnh nên ấp ủ xây dựng nhà dưỡng lão để cưu mang những người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.

Sau này, nhờ vào công việc buôn bán thức ăn thủy sản, ông Thanh có điều kiện kinh tế nên quyết định xây dựng nhà dưỡng lão miễn phí trên phần đất gia đình rộng 1,5ha, kinh phí xây dựng hơn 4 tỷ đồng, tương đương 400 lượng vàng lúc bấy giờ.

“Ông Thanh ấp ủ, xây dựng Nhà dưỡng Đức Thọ bằng cả tình thương, tấm lòng. Năm 2007, ông Thanh bắt đầu xây dựng nhà dưỡng lão này. Sau hai năm xây dựng, Nhà dưỡng Đức Thọ chính thức hoạt động. Một năm sau, ông Ngô Đoan Thanh qua đời, để lại di nguyện cho người con trai là anh Ngô Minh Trung tiếp tục kế thừa, duy trì việc thiện nguyện mà ông dành cả đời để xây dựng lên giúp người”, ông Nguyễn Trung Khánh (60 tuổi), Trưởng ban quản lý nhà dưỡng lão Đức Thọ kể.

Ông Khánh nói thêm: “Lý tưởng, việc làm của ông Thanh quá cao cả. Tiếc là ông qua đời sau cơn bạo bệnh, để lại mái ấm tình thương này. Chúng tôi tự thấy phải có trách nhiệm để chung tay duy trì làm việc thiện này”.

Hiệu trưởng miền Tây chi 400 lượng vàng xây nhà dưỡng lão rồi bất ngờ qua đời

Sau khi ông Thanh qua đời, anh Ngô Minh Trung đã thực hiện di nguyện của cha, cùng người dân địa phương chung tấm lòng thiện nguyện duy trì nhà dưỡng lão Đức Thọ cho đến nay. Dù là Chủ tịch Hội dưỡng lão Đức Thọ, thường xuyên đến mái ấm thăm, chăm sóc các cụ già, nhưng anh Ngô Minh Trung lại không muốn xuất hiện trên truyền thông.

Riêng ông Khánh là người gắn bó gắn bó với Nhà dưỡng lão Đức Thọ ngay từ những ngày đầu và làm Trưởng ban quản lý. Ông Khánh cũng có công việc kinh doanh thuận lợi, kinh tế khá giả. “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ làm vài năm ở nhà dưỡng lão này vì tôi còn có công việc kinh doanh rất bận rộn. Nhưng khi chăm sóc các cụ già neo đơn, cơ nhỡ, bất hạnh, tôi ngày càng có cảm tình và thương họ nhiều hơn. Tôi cũng mồ côi mẹ lúc 5 tuổi nên thiếu vắng tình thương từ bé, vì vậy tôi xem các cụ như cha mẹ của mình mà tận tình chăm sóc và gắn bó đến tận bây giờ”, ông Khánh tâm sự.

Bên cạnh đó, nhà dưỡng lão còn có hai cô cấp dưỡng và một kế toán. Những người này thường xuyên giúp đỡ chăm sóc chu đáo từ thay tã, tắm, giặt đồ… cho các cụ già lớn tuổi, bị tai biến nằm một chỗ.

Mỗi khi có cụ qua đời, nhà dưỡng lão lo việc hậu sự và thông báo cho gia đình. Trường hợp không có người thân, nhà dưỡng lão sẽ đứng ra tổ chức luôn tang lễ và đưa đi hỏa táng.

Ông Khánh cho biết, hằng ngày, các cụ được ăn 3 bữa với thực đơn đầy đủ dinh dưỡng. Riêng chủ nhật có suất ăn đặc biệt, gồm: hủ tiếu, bún, bánh ngọt, trái cây… Mỗi tháng, kinh phí hoạt động trên 30 triệu đồng, do các mạnh thường quân trong ngoài nước và con trai người sáng lập đóng góp.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, tạo điều kiện và giúp đỡ bằng cách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cụ; mỗi tháng hai lần các cụ sẽ được cán bộ trạm y tế trực tiếp đến thăm khám bệnh, cấp thuốc đầy đủ.

Gia đình khó khăn, hai đứa con đi làm xa, bà Quách Thị Sen (67 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) phải sống một mình nên sinh vào sống tại Nhà dưỡng lão Đức Thọ. Hơn 4,5 năm sống ở đây, bà Sen được chăm lo chu đáo, chia sẻ những vui buồn với mọi người cùng hoàn cảnh. “Tôi có hai đứa con nhưng chúng đi làm ăn xa. Tôi ở nhà một mình sợ lúc bệnh tật không ai hay, chết không ai biết nên xin vào Nhà dưỡng lão Đức Thọ sống. Vào đây tôi được chăm sóc chu đáo, không gian ở thoải mái, mọi người ai cũng hòa đồng coi như anh chị em ruột”, bà Sen chia sẻ.

Là một trong những người lớn tuổi nhất đang sống trong Nhà dưỡng lão Đức Thọ, bà Nguyễn Thị Bảy (85 tuổi, ngụ TPHCM) chia sẻ, trước đây bà và con trai sống trong căn nhà trọ ở TP.HCM. Do không muốn vướng bận con cái, nên cách đây gần 1 tháng bà nhờ người đưa từ TP.HCM xuống Sóc Trăng xin vào Nhà dưỡng lão Đức Thọ sống.

“Gần chục năm trước tôi đã biết chú Khánh. Gần đây để cho con trai yên tâm đi làm, tôi quyết định xin chú Khánh cho vào nhà dưỡng lão này sống. Ở trong này tôi thấy thoải mái hơn sống trong nhà trọ, ở đây không khí thoáng mát, có cây xanh, rất bình yên”, bà Bảy nói.

Hiệu trưởng miền Tây chi 400 lượng vàng xây nhà dưỡng lão rồi bất ngờ qua đời

Hoài Thanh Nhà báo

Nguồn: Nguồn vietnamnet.vn

Hiệu trưởng miền Tây chi 400 lượng vàng xây nhà dưỡng lão rồi bất ngờ qua đời - Đời Sống