Ăn nhiều đồ ngọt không chỉ gây tăng đường huyết mà cơ quan tiêu hóa cũng quá tải, tăng nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên bác sĩ khoa Nội tiết - Chuyển hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết nhiều quan niệm sai lầm là ăn nhiều chất béo, chất đạm sẽ gây tăng cân, gan, máu nhiễm mỡ. Nhưng thực tế, “sát thủ” giấu mặt không phải thịt, cá mà chính là đường. Đường gây tăng mỡ máu dạng triglyceride, tăng đường huyết, cân nặng.
Theo vị chuyên gia này, ông từng gặp nhiều bệnh nhân than thở ăn ít nhưng vẫn béo, đường huyết cao. Khi bác sĩ hỏi, bệnh nhân cho biết hàng ngày ăn cơm, chút đồ ăn vặt tự làm như bánh ngọt, nước siro hoa quả. Đây đều là thực phẩm chứa nhiều đường.
Ăn nhiều đồ ngọt bạn có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết đường là nguồn cung cấp carbohydrate và năng lượng cho cơ thể. Một gram đường sẽ cung cấp cho cơ thể 4 calo, một thìa cà phê đường cung cấp 16 calo.
Đây là một chất cần thiết cho hoạt động chức năng bình thường của cơ thể bởi đường tạo ra năng lượng để hoạt động. Đường là một loại carbohydrate kích thích não bộ sản xuất ra serotonin- một chất gây hưng phấn cho các tế bào thần kinh. Chất này có tác dụng chi phối các hoạt động hàng ngày của con người như tâm trạng, chức năng tình dục, giấc ngủ, trí nhớ học tập, sự thèm ăn.
Đường được hấp thu trực tiếp vào máu nên có thể có khả năng tăng cường năng lượng rất nhanh. Điều này đặc biệt có ích trong những trường hợp mệt mỏi, hạ đường huyết, tụt huyết áp. Dù có rất nhiều công dụng nhưng đường không có giá trị dinh dưỡng.
Vì vậy, Tiến sĩ Sơn cho biết việc lạm dụng đường sẽ gây hại cho cơ thể. Bình thường, máu của chúng ta chứa một lượng đường cần thiết khoảng 0,8-1.2g/l, dưới dạng glucose. Khi tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa đường (nước ngọt, bánh kẹo), chất này được hấp thụ vào máu rất nhanh làm đường huyết tăng đột ngột, khiến tụy phải hoạt động nhiều. Lúc này, tuyến tụy sẽ giải phóng insulin để điều chỉnh đường huyết. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục, trong thời gian dài, đặc biệt là ở người cao tuổi, tụy phải hoạt động quá tải sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, khi ăn quá nhiều đường, chất này sẽ được hấp thu tại ruột non, đi vào hệ tuần hoàn và tới thẳng gan. Gan là cơ quan duy nhất có thể chuyển hóa phân tử đường. Nếu lượng đường tiêu thụ vượt quá khả năng chuyển hóa của gan, bộ phận này sẽ không còn cách nào khác là chuyển hóa lượng đường thừa này thành chất béo.
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy khi gan chuyển hóa đường thành chất béo và bị phơi nhiễm với chất béo sẽ gây ra tình trạng kháng insulin.Tình trạng này có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ và hội chứng chuyển hóa. Lâu dần, bạn có thể mắc các bệnh như tiểu đường type 2, cao huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư.
Bác sĩ chuyên khoa II Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Khám tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết thêm phụ nữ ăn quá nhiều đường còn đối diện với nhiều bệnh lý khác như lão hóa da, thừa cân, béo phì, thậm chí dẫn đến viêm nhiễm vùng kín kéo dài.
Nguyên nhân là vi khuẩn sinh sôi, phát triển tốt nhất trong điều kiện môi trường axit. Khi lượng đường trong máu cao, lượng glucose, glycogen tăng khiến nồng độ axit âm đạo tăng, tạo điều kiện cho vi khuẩn candida phát triển.
Vì vậy, bác sĩ Thuỷ cho biết khi tư vấn cho bệnh nhân kể cả người lớn và trẻ em bà đều yêu cầu hạn chế ăn ngọt, ăn ít thực phẩm chứa đường. Điều đó không chỉ làm giảm nguy cơ tăng cân mà còn giúp vừa hạn chế mắc bệnh.