Sau 6 tháng cấy que tránh thai, một người phụ nữ đã tìm đến bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) để tháo trước thời hạn do lo lắng vì không có kinh nguyệt.
Theo bác sĩ CKII. Mai Hải Lý, Tổ trưởng tổ khám sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), hiện nay, nhiều phương pháp tránh thai được sử dụng như tránh thai tự nhiên, các biện pháp chắn (bao cao su, màng ngăn âm đạo), thuốc viên ngừa thai, thuốc tiêm, que cấy, dụng cụ tử cung, triệt sản.
Trong đó, biện pháp que cấy có hiệu quả ngừa thai trên 99%, tác dụng trong 3 năm. Khi muốn có con trở lại, người phụ nữ chỉ cần tháo bỏ que cấy. Do một số tác dụng không mong muốn và tư vấn chưa đầy đủ, nhiều phụ nữ vẫn e ngại khi lựa chọn phương pháp này.
Chuyên gia này dẫn chứng một người phụ nữ đã đến viện khẩn thiết nhờ bác sĩ lấy que cấy tránh thai ra sau 6 tháng. Lý do là suốt nửa năm qua chị không có kinh nguyệt. Thay vì sự thoải mái, chị cảm thấy mình không phải phụ nữ mà giống một người đàn ông. “Mẹ của bệnh nhân cũng cho rằng vô kinh là tình trạng bất thường nên nhất quyết muốn tháo que trước thời hạn”, bác sĩ Lý nói.
BS Mai Hải Lý tư vấn các biện pháp tránh thai
Chuyên gia này cho biết thêm, tình trạng vô kinh sau cấy que xảy ra do cơ chế tác dụng của thuốc ngừa thai, khác với mãn kinh ở phụ nữ lớn tuổi không còn nội tiết tố. Khi ngưng sử dụng que cấy, nội tiết của phụ nữ sẽ phục hồi ngay và có kinh nguyệt như bình thường.
Bác sĩ Lý chia sẻ hiện nay, vẫn còn nhiều chị em có quan niệm máu kinh là máu xấu, kinh nguyệt hằng tháng giúp tống lượng máu xấu và độc chất ra ngoài nên tốt cho cơ thể.
“Quan niệm này không đúng. Bản chất của máu kinh là đi ra từ mạch máu, lẫn với niêm mạc tử cung, chất nhầy, vi khuẩn. Nếu không chảy ra ngoài theo chu kỳ kinh nguyệt, máu này vẫn ở trong lòng mạch để đi nuôi cơ thể. Khi đó, phụ nữ giảm được nguy cơ thiếu máu thiếu sắt thường xảy ra khi đến ngày đèn đỏ”, bác sĩ Mai Hải Lý nói.
Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào năm 2018, tỷ lệ vô kinh lên đến 59% sau cấy que 3 tháng và gần 69% sau 6 tháng cấy que. Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ bị vô kinh sau cấy que cảm thấy hài lòng vì vừa giảm máu kinh, giảm thiếu máu thiếu sắt, không tốn tiền băng vệ sinh, sinh hoạt thoải mái…
Ngoài vô kinh, những tác dụng không mong muốn của que cấy tránh thai thường gặp là rong huyết, ra huyết thấm giọt, nhức đầu, nổi mụn, căng ngực,… Biện pháp này cũng không phù hợp với người đang mang thai, bị ung thư vú, tiền sử thuyên tắc mạch... Như vậy, chuyên gia này cho rằng phụ nữ cần được tư vấn kỹ lưỡng khi lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.
“Có trường hợp mới vài tháng đã lên viện xin gỡ que trước thời hạn vì bị rong huyết kéo dài. Tôi hỏi kỹ mới biết người này chưa được tư vấn đầy đủ trước khi cấy que nên khá lo lắng. Tôi đề nghị bệnh nhân chấp nhận điều trị rong huyết trước và có hiệu quả. Do đó, bệnh nhân quyết định duy trì que cấy đủ 3 năm thay vì vội vàng lấy ra như lúc đầu”, bác sĩ chia sẻ.